Cà Mau - Sử dụng hiệu quả ứng dụng di động đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần người dân

Sử dụng ứng dụng di động là “cầu nối” đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân đã được UBND tỉnh Cà Mau triển khai hiệu quả. Vượt qua những khó khăn, hạn chế trong giai đoạn đầu, tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt đã có chuyển biến nhờ sự nỗ lực, tiên phong của Tổ CNSCĐ.

Thực hiện Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh về thí điểm triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Sau khi thành lập, kiện toàn các Tổ CNSCĐ trên địa bàn các đơn vị cấp xã được triển khai.


Tỉnh Cà Mau có 48 đơn vị cấp xã có thành lập Tổ CNSCĐ, với 364 Tổ của ấp/khóm, với 1.729 thành viên tham gia. Đối tượng tham gia Tổ CNSCĐ chủ yếu là cán bộ ấp/khóm kiêm nhiệm, bao gồm: Trưởng ấp/khóm, đảng viên, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Công an, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh, Tổ dân phố… Sau khi ra mắt, các thành viên Tổ CNSCĐ triển khai các hoạt động trên địa bàn ấp/khóm theo Kế hoạch.

Các Tổ CNSCĐ tại Cà Mau được tham gia các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức chuyển đổi số và kỹ năng số.


Triển khai tập huấn bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp cho các Tổ CNSCĐ với chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; chuyển giao, hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số và các ứng dụng trên di động Chính quyền điện tử (CaMau-G) như: phản ánh hiện trường; DVCTT; sàn thương mại điện tử; giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; lĩnh vực y tế (hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân, đặt lịch khám bệnh, tư vấn từ xa); lĩnh vực giáo dục (kết nối giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường, quản lý nhà trường, quản lý học sinh, tra cứu điểm, kết quả học tập) và các nội dung khác được cập nhật bổ sung theo thời gian. Trang bị kỹ năng số cho các thành viên Tổ CNSCĐ để hướng dẫn lại cho người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng, từ đó lan tỏa trong cộng đồng, dẫn dắt, thúc đẩy người dân quen dần với môi trường số theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và chính quyền địa phương.

Tổ CNSCĐ được xác định là lực lượng nòng cốt có nhiệm vụ hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng CaMau-G.



Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đồng hành và tham gia như: Viễn thông Cà Mau, VIETTEL Cà Mau, MobiFone tỉnh Cà Mau, Bưu điện tỉnh Cà Mau đã tích cực phối hợp, hỗ trợ các thành viên Tổ CNSCĐ để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số của tỉnh.


Đến nay, Tổ CNSCĐ triển khai các nền tảng số đã được tập huấn và trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn cho hơn 70.600 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, chiếm trên 53% số hộ gia đình trong ấp/khóm thuộc xã/phường/thị trấn được triển khai, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Đến tháng 6/2023, một số kết quả sử dụng nổi bật như sau: 60.978 hộ gia đình triển khai tài khoản DVCTT; 4.158 hộ gia đình có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử; 47.918 hộ gia đình có tài khoản thanh toán điện tử. Toàn tỉnh có 200.151 hồ sơ sức khỏe vnCare được đăng ký và tạo lập.

Nội dung phản ánh của người dân thông qua ứng dụng CaMau-G được giải quyết kịp thời.



1. Nhiệm vụ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số gồm rất nhiều việc lớn, quan trọng; tuy nhiên, số lượng biên chế dành cho lĩnh vực này là rất ít. Việc triển khai Tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh làm tăng thêm áp lực công việc cho các cán bộ phụ trách chuyển đổi số của tỉnh, huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn, ấp, khóm.

2. Chưa có đủ thể chế, chính sách, kinh phí phù hợp để hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ. Chưa tạo động lực, điều kiện cho các thành viên tích cực hoạt động.

3. Thiết bị di động của nhiều người có dung lượng ít nên khó khăn cho việc cài đặt, sử dụng nhiều ứng dụng. Do nhiều người dân còn có thói quen là mua bán trực tiếp, nên sợ rủi ro trong giao dịch trực tuyến.

4. Số lượng tài khoản dịch vụ công trực tuyến, tài khoản thanh toán điện tử được đăng ký tuy nhiều; nhưng số lượng tài khoản được sử dụng để nộp hồ sơ trực tuyến, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt còn ít. Số hộ gia đình, hộ kinh doanh có tài khoản mua, bán trên sàn thương mại điện tử còn ít.

5. Các thành viên Tổ CNSCĐ đa số là cán bộ ấp/khóm, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ cấp trên chỉ đạo, nên khó thực hiện cùng lúc nhiều việc theo tiến độ, chất lượng được yêu cầu.

6. Một số thành viên Tổ CNSCĐ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải đi làm chăm lo cuộc sống gia đình, chưa tham gia nhiều trong công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện công việc chuyển đổi số.


1. Trong thời gian tới, UBND các huyện, thành phố Cà Mau sẽ thực hiện vận dụng quy định về mức chi tổ chức hội nghị, quy định có liên quan và khả năng ngân sách địa phương, nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) để hỗ trợ kinh phí hoạt động của Tổ CNSCĐ trên địa bàn. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh giao cho một đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động Tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh.

2. Các hoạt động tập huấn cho Tổ CNSCĐ các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; chuyển giao, hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số và các ứng dụng trên app chính quyền điện tử sẽ tiếp tục được chú trọng tổ chức.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các Tổ CNSCĐ trong quá trình hoạt động; kiểm tra, đánh giá hoạt động của Tổ CNSCĐ trên địa bàn./.

Bài viết mới nhất

Phổ cập tên miền quốc gia .vn để phát triển kinh tế số và xã hội số
Thư viện sách số