YẾU TỐ QUAN TRỌNG ĐỂ TRIỂN KHAI TỔ CÔNG NGHỆ SỐ CỘNG ĐỒNG THÀNH CÔNG
Trong hoạt động triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chính là cách “truyền lửa”, thúc đẩy hoạt động lan tỏa mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả. Thực tiễn của tỉnh Sóc Trăng là câu chuyện minh chứng cho điều này.
Trong thời gian qua, Lãnh đạo Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc triển khai thành lập, tập huấn và hướng dẫn hoạt động của Tổ CNSCĐ là nhiệm vụ được Lãnh đạo tỉnh quan tâm.
Thực hiện theo Văn bản hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ CNSCĐ do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 05/3/2022, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 15/7/2022 về việc thí điểm Tổ CNSCĐ tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Thực hiện kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai nhiệm vụ này.
1. Mục đích
Đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ CNSCĐ để thúc đẩy chuyển đổi số, dẫn dắt người dân tiếp cận môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số; qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
2. Yêu cầu
- Triển khai thí điểm Tổ CNSCĐ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào cuộc sống; giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực đối với người dân.
- Đánh giá kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và đưa ra phương hướng triển khai cho Tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
3. Hình thức, thời gian, địa điểm triển khai
- Hình thức: Triển khai trực tiếp hoặc bằng các hình thức khác như: Triển khai qua Zalo, các nền tảng trực tuyến,...
- Thời gian: Triển khai thí điểm trong ba (03)
tháng, từ tháng 9 đến tháng 11/2022. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai trong thời gian từ 01/10/2022 - 15/10/2022, để đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình Tổ CNSCĐ.
- Địa điểm
+ Tổ 1: Triển khai thí điểm cho Tổ CNSCĐ ấp Châu Thành, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề.
+ Tổ 2: Triển khai thí điểm cho Tổ CNSCĐ ấp An Thường, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung.
+ Tổ 3: Triển khai thí điểm cho Tổ CNSCĐ khóm 4, phường 9, thành phố Sóc Trăng.
4. Nội dung
Triển khai các nội dung theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng. Một số nội dung trọng tâm như:
(1). Hướng dẫn tạo nhóm Tổ CNSCĐ.
(2). Hướng dẫn sử dụng Smartphone.
(3). Thanh toán không dùng tiền mặt.
(4). Mua bán trên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart.
(5). Hướng dẫn sử dụng các phẩm mềm về sức khỏe.
(6). Sử dụng nền tảng số Việt Nam do địa phương lựa chọn.
(7). Nội dung khác theo theo yêu cầu thực tế.
(8). Hướng dẫn người dân tham gia vào Kênh chuyển đổi số quốc gia và nền tảng đào tạo đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông: Tổ công nghệ số cộng đồng; Kênh Zalo OA Chuyển đổi số quốc gia.
THỰC TIỄN TRIỂN KHAI
Nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Tổ CNSCĐ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã trực tiếp có các buổi kiểm tra và làm việc với một số Tổ CNSCĐ. Ngày 19/4/2023, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Sơ kết đánh giá kết quả hoạt động Tổ CNSCĐ và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Tổ CNSCĐ.
Từ thực tiễn triển khai hoạt động Tổ CNSCĐ của tỉnh Sóc Trăng, ta thấy được vai trò rất lớn của sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh Ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh là yếu tố quan trọng để triển khai Tổ CNSCĐ thành công. Mỗi địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ của chuyển đổi số nói chung và trong triển khai hoạt động của Tổ CNSCĐ nói riêng, những người đứng đầu, lãnh đạo cần có nhận thức rõ ràng về mục đích, ý nghĩa của hoạt động, vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số để từ đó hình thành động lực triển khai, lan tỏa đồng bộ tới các cấp. Vai trò của người lãnh đạo như kim chỉ nam, vạch ra đường lối và dẫn dắt toàn thể đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của mỗi cơ quan và người dân từng bước chuyển đổi số trong công việc và cuộc sống.