Nông dân số ở An Giang

Nhanh chóng, tiện lợi, giảm công sức canh tác, lại an toàn cho nông dân… đó là những ưu thế khi sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) trong canh tác nông nghiệp mà nhiều nông dân triển khai thời gian qua.

Trong những năm gần đây, việc sử dụng drone đang dần trở nên phổ biến đối với nông dân. Không riêng gì đối với sản xuất lúa, drone còn được sử dụng trong canh tác cây ăn trái,… Mặc dù chi phí ban đầu đầu tư khá cao, nhưng khi đưa vào sử dụng, anh Lý Văn Tu (huyện An Phú, tỉnh An Giang) rất tâm đắc khi sử dụng drone để phun thuốc trừ sâu cho ruộng lúa và vườn xoài của gia đình. Anh cho biết, trước đây sử dụng phương pháp phun xịt truyền thống, người nông dân như anh mất nhiều thời gian và công sức để phun xịt, di chuyển.

Với thiết bị bay này, anh Tu chỉ cần đứng trên bờ ruộng điều khiển thiết bị bay đến ruộng lúa, ấn nút là máy tự động phun thuốc trừ sâu. Tốc độ phun của máy rất cao, trung bình 1 giờ phun được 50 công (50.000m2). Lượng thuốc phun ra đều và thấm sâu vào hầu hết các bộ phận trên cây lúa.

So với phun, xịt truyền thống, sử dụng drone sẽ tiện lợi hơn rất nhiều. Bởi nông dân chỉ cần đứng một chỗ và điều khiển thiết bị, không phải mang từng bình thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lội trực tiếp vào tận ruộng để phun, làm cây trồng bị đạp ngã, hư hao trong quá trình phun.

Đặc biệt, thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV giúp giảm 90% lượng nước và 30% thuốc BVTV. Việc phun thuốc cũng được phủ đều hơn trên cánh đồng, giảm thiểu trường hợp bị cháy do nồng độ thuốc quá liều. Những lợi ích này không chỉ giúp cho tăng hiệu quả, giảm thiểu chi phí, mà điều quan trọng nhất là bảo vệ được sức khỏe người nông dân, do không cần trực tiếp phun thuốc BVTV như trước đây.

Mỗi drone bay lên, không chỉ hoàn thành việc gieo hạt, tưới nước hay phun thuốc bảo vệ thực vật, mà một lượng dữ liệu lớn cũng được camera ghi lại để phân tích. Ví dụ như những vùng có màu xanh đậm là cây khoẻ mạnh, nếu màu xanh nhạt, tức là diệp lục kém, cây đang có bệnh. Từ kết quả đó người nông dân có thể nhận diện, khoanh vùng cây bệnh.

Về chi phí, theo đánh giá của nhiều nông dân, chi phí khi thuê drone thấp hơn rất nhiều so với thuê lao động. Trung bình 1ha đất, drone sẽ phun từ 10-15 phút, chi phí cho mỗi lần phun 160.000 đồng/ha. Nếu tính theo giá lao động hiện nay, phải tốn khoảng 300.000 đồng/ha. Điều này cũng giúp giải quyết được phần nào vấn đề về nhân lực ở nông thôn khi lao động trẻ và trung niên ở nông thôn dần khan hiếm, giá nhân công ngày càng cao.

Nắm bắt được nhu cầu này, ở một số địa phương, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư drone để mở rộng làm thêm dịch vụ, ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Thọ Trường (huyện Tri Tôn, An Giang). Theo ông Trường tính toán, mỗi drone có giá dao động 400-700 triệu đồng. Thời gian trung bình mất 7 phút/ha ruộng lúa, mỗi ngày một drone phun từ 30-70ha. Chi phí thuê drone khoảng 160.000 đồng/ha, trừ chi phí nhân công khoảng 20%, nhiên liệu 30%, chưa tính khấu hao máy móc, ông Trường có thể thu về khoảng 2-3 triệu đồng/ngày.

Khả năng của các drone cũng được cải thiện ngày càng tốt hơn. Hiện nay, nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt đã và đang tìm tòi, nghiên cứu, phát minh những sản phẩm, tính năng mới cho drone thực sự phục vụ đắc lực hơn cho người nông dân. Điều đáng quý là động lực cho những tâm huyết này xuất phát từ những suy nghĩ và trăn trở đóng góp những điều tốt đẹp hơn cho người nông dân Việt. Như chia sẻ của người sáng lập Công ty Quản Nông Xanh:

"Tôi chở mẹ tôi vào khám bệnh trong bệnh viện, vô tình gặp một người nông dân, có tiền sử ung thư máu do phun thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi trò chuyện, anh dắt tôi vào khoa đó, hầu như những người đang điều trị đều là những người nông dân có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Lúc về nhà, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là mình có những thiết bị bay, việc gắn vào những bình thuốc để phun có thể giúp ích được người nông dân", ông Thịnh nói. /.  

Bài viết mới nhất

Phổ cập tên miền quốc gia .vn để phát triển kinh tế số và xã hội số
Thư viện sách số