Nền tảng Trợ lý ảo phục vụ người dân
Tổng Quan
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên phổ biến với tốc độ tăng trưởng nhanh. Những ứng dụng của nó đã và đang tác động tích cực đến mọi mặt trong cuộc sống. Trợ lý ảo là một trong số đó. Trợ lý ảo nhằm mục đích giúp tự động hoá quy trình, tiết kiệm nhân công, tăng cường năng suất công việc, chất lượng dịch vụ; phục vụ các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân; khách du lịch và người học; có khả năng trả lời, tương tác với khách hàng bằng ngôn ngữ tự nhiên mang đến trải nghiệm gần tương tự người thật.
Quy mô thị trường
Thực trạng
Hiện nay, tổng số dịch vụ công của tỉnh Yên Bái là 1.855 dịch vụ công (trong đó có: 1.355 DVC mức độ 2, 75 DVC mức độ 3, 425 DVC mức độ 4). Tuy nhiên, khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhiều người dân còn rất lúng túng, không biết các loại giấy tờ cần chuẩn bị, lệ phí, thời gian giải quyết thủ tục… phải thực hiện như thế nào; việc tìm hiểu, tra cứu, sử dụng dịch vụ còn hết sức khó khăn. Trong khi đó, số lượng công chức tại các cơ quan chuyên môn của Sở, ngành thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận phục vụ hành chính công các cấp là 778 người, thực trạng này gây khó khăn do thiếu hụt công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các đơn vị chuyên môn của Ủy ban nhân dân các cấp và tạo áp lực không nhỏ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; chưa giải quyết được dứt điểm hiện tượng tiêu cực, vẫn còn tình trạng công chức gây khó khăn, không cập nhật, xử lý hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công, tạm dừng hồ sơ sai quy định, từ chối hồ sơ không lý do.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp của cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Tỉnh Yên Bái, tính đến ngày 03/4/2022 toàn tỉnh có 21.569 ca mắc mới, có 20.962 ca F0 đang điều trị tại nhà. Mặc dù số lượng các ca nhiễm có xu hướng giảm trong những ngày qua, nhưng con số trên vẫn còn là một thử thách lớn cho việc phân bổ nhân sự và chăm sóc y tế đầy đủ đối với ngành Y tế tỉnh.
Ngoài ra, việc tư vấn lộ trình các tuyến xe, cung cấp thông tin các tuyến xe, thông tin xe vi phạm giao thông bị phạt nguội, thông tin các cơ sở tiêm chủng, phòng khám, nhà thuốc; tra cứu lịch sự kiện, thời tiết, địa điểm hấp dẫn, giấy phép, hoạt động xe du lịch… chưa có sự tương tác, nhận yêu cầu, hỗ trợ trực tuyến đối với người dân.
Hiện tại, có nhiều phần mềm, nền tảng trợ lý ảo của nhiều công ty, phục vụ nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số ít bộ, ngành, địa phương đã, đang triển khai thí điểm, thử nghiệm trợ lý ảo phục vụ người dân và doanh nghiệp (Lạng Sơn triển khai của VNPT); có những ứng dụng trợ lý ảo dành riêng cho người Việt để giúp người dùng di động có thể giao tiếp với điện thoại của mình bằng các khẩu lệnh một cách tiện dụng nhất có thể; nhiều doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ AI như một phần không thể thiếu để nâng cao trải nghiệm khách hàng; trợ lý ảo dành riêng cho người Việt (VAV)…
Tuy nhiên, chưa có một nền tảng trợ lý ảo chung, thống nhất cho các bộ, ngành, địa phương trên cả nước để phục vụ người dân. Chưa có nguồn tri thức, dữ liệu thống nhất trên cả nước (tri thức hóa pháp điển, ngân hàng bộ câu hỏi, tình huống, quy định chuẩn dành cho công tác hỗ trợ, phục vụ người dân). Nếu các bộ ngành, địa phương triển khai rời rạc sẽ dẫn đến không nhất quán về mặt công nghệ, không sử dụng chung được các dữ liệu dùng chung, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả và khó khăn về kinh phí triển khai.
Mong muốn giải đáp
Từ những khó khăn, bất cập trên cần có một nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân thống nhất trong cả nước với nguồn tri thức, dữ liệu thống nhất, có khả năng học, nhận biết ý định người dùng để tự động hỗ trợ giải đáp thắc mắc của người dân một cách nhanh chóng và chính xác.
Có thể tương tác, nhận yêu cầu, hỗ trợ người dùng truy cập các thông tin liên quan đến dịch vụ công như hỏi đáp về thủ tục hành chính, tra cứu các dịch vụ công ích, cụ thể tra cứu kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính; tư vấn lộ trình các tuyến xe, cung cấp thông tin các tuyến xe, thông tin xe vi phạm giao thông bị phạt nguội, thông tin các cơ sở tiêm chủng, phòng khám, nhà thuốc, nhà hàng, khách sạn; tra cứu lịch sự kiện, thời tiết, địa điểm hấp dẫn, giấy phép, hoạt động xe du lịch, nhà vệ sinh công cộng…
Nền tảng có thể tiếp nhận yêu cầu và hướng dẫn người dân đăng ký hẹn giờ khám chữa bệnh; tiêm chủng; hỗ trợ, tư vấn điều trị cho các bệnh nhân F0 tại nhà; thủ tục hành chính mà không cần sự hỗ trợ của nhân viên tổng đài và cán bộ y, bác sỹ trực tiếp.
App trợ lý ảo hỗ trợ 2 nền tảng IOS và Android, người dân có thể tải app và sử dụng trên thiết bị di động và cho phép người dùng tương tác với smartphone bằng giọng nói hoàn toàn tiếng Việt để thực hiện các tác vụ cần thiết hàng ngày.
Có thể giao tiếp hai chiều giữa trợ lý ảo và người dân. Thiết lập giọng theo giới tính hoặc theo vùng miền và cho phép người dùng ngắt lời trợ lý ảo khi trợ lý ảo đang nói; có thể nhận dạng thời gian thực, nhận dạng trong môi trường nhiễu và ở khoảng cách xa.
Nếu câu hỏi phức tạp hơn mức có thể xử lý thì phải phân luồng và chuyển câu hỏi đó cho bên liên quan, thông qua các biểu mẫu hoặc trò chuyện trực tiếp.
Văn bản liên quan
- Các văn bản trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật.
- Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030.
- Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
- Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tổ chức cá nhân đưa ra bài toán
- Tổ chức: Sở TTTT tỉnh Yên Bái
- Cá nhân:
+ Họ và tên: Hoàng Minh Tiến
+ Chức vụ: Giám đốc sở TTTT
+ Điện thoại: 0912.558.118
+ Thư điện tử: tienhm@mic.gov.vn
Tổ chức, cá nhân sẵn sàng cho áp dụng thử nghiệm
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái.
Thông tin liên hệ
Cục Tin học hoá
+ Cá nhân: Đỗ Công Anh
+ Chức vụ: Cục trưởng
+ Điện thoại:
+ Thư điện tử: