• Nền tảng Quan trắc ngành Tài nguyên và Môi trường

Nền tảng Quan trắc ngành Tài nguyên và Môi trường

Tổng Quan

Dữ liệu quan trắc ngành Tài nguyên và Môi trường có tính thời gian thực, dự báo kết quả trong tương lại, lượng dữ liệu lại lớn nên rất khó khăn trong việc quản lý các dữ liệu này một cách thủ công. Vì thế, cần thiết phải có một giải pháp số cho việc quản lý các dữ liệu ấy.

Quy mô thị trường

Thành phần trạm quan trắc tham gia vào nền tảng bao gồm các trạm quan trắc thuộc mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia (theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016) bao gồm các hệ thống sau:

- Các hệ thống quan trắc chuyên ngành các lĩnh vực ngành tài nguyên và môi trường.

- Các hệ thống quan trắc chuyên ngành tài nguyên và môi trường do các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh/thành phố quản lý.

- Các tổ chức/cá nhân có tham gia vào mạng lưới quan trắc ngành tài nguyên và môi trường.

- Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường (Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 24/10/2017).


Thực trạng

- Hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường của Việt Nam còn thưa và tỷ lệ tự động hóa chưa cao, ngay cả đối với nhóm các trạm tự động thì phần lớn cũng mới chỉ tự động một phần, chưa thể giao tiếp 2 chiều để phục vụ điều khiển/vận hành/giao tiếp với toàn bộ hệ thống thiết bị quan trắc từ xa dễ dàng.

- Hiện tại phần lớn các trạm quan trắc tài nguyên môi trường tự động đang sử dụng dịch vụ GPRS/3G/4G của các nhà cung cấp trong nước để truyền tin. Tuy nhiên, trong thời gian tới các công nghệ truyền tin 2G/3G sẽ dần dần ngừng hoạt động để chuyển sang các công nghệ truyền tin mới như 5G và LPWAN trong đó 5G sẽ phù hợp với các dịch vụ cần tốc độ truyền cao, thời gian thực và LPWAN phù hợp với nhóm trạm quan trắc với đặc thù gói tin có dung lượng nhỏ, tần suất truyền không cần theo thời gian thực và thời gian hoạt động lâu dài.

- Vấn đề cần giải quyết:

Thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường ít được chia sẻ và không được thống nhất quản lý bởi một đơn vị đầu mối. Dữ liệu môi trường chưa được hệ thống hóa, đồng bộ hóa, phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Việc truyền nhận dữ liệu từ các Trạm quan trắc tự động liên tục địa phương về Bộ Tài nguyên và Môi trường còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, các hướng dẫn kỹ thuật chưa đầy đủ và thông suốt.

- Vấn đề về thu nhận/truyền nhận: Cần có các giải pháp thông minh trong thu nhận thông tin dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường từ các trạm quan trắc (tự động, tiền xử lý dữ liệu tại trạm quan trắc (tính toán biên - edge computing), giám sát thiết bị quan trắc, …) và các giải pháp truyền nhận thông tin dữ liệu quan trắc từ hệ thống trạm quan trắc về trung tâm dữ liệu bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.

- Vấn đề thiếu đồng bộ trong quản lý, cát cứ dữ liệu: Cần có các giải pháp quản lý thống nhất kho dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường dựa trên mô hình dữ liệu lớn và các giải pháp kết nối/chia sẻ.

- Vấn đề về giám sát, cảnh báo, dự báo: Cần có các giải pháp phân tích, xử lý dữ liệu lớn và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo để phân tích kho dữ liệu lớn về quan trắc tài nguyên và môi trường từ đó có thể giám sát được thiết bị quan trắc, chất lượng dữ liệu quan trắc và phục vụ các bài toán cảnh báo, dự báo về tài nguyên và môi trường.

- Vấn đề về giải pháp mang tính tổng thể: ngoài các vấn đề cần giải quyết ở trên, nền tảng quan trắc tài nguyên và môi trường cần đưa ra một giải pháp mang tính tổng thể trong thu nhận (IoT, Gateway, Edge Computing, …), truyền nhận (mạng 5G/6G, LoRaWAN, …), quản lý thống nhất (Big Data, Cloud Computing, …), phân tích, xử lý, giám sát, dự báo, cảnh báo (Phân tích dữ liệu lớn, AI, …) thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường.


Mong muốn giải đáp

- Xây dựng các giải pháp thông minh trong thu nhận thông tin dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường và các giải pháp truyền nhận thông tin dữ liệu quan trắc từ hệ thống trạm quan trắc về trung tâm dữ liệu bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.

- Xây dựng các giải pháp quản lý thống nhất kho dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường dựa trên mô hình dữ liệu lớn và các giải pháp kết nối/chia sẻ.

- Xây dựng các giải pháp các giải pháp phân tích, xử lý dữ liệu lớn và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo để phân tích kho dữ liệu lớn về quan trắc tài nguyên và môi trường từ đó có thể giám sát được thiết bị quan trắc, chất lượng dữ liệu quan trắc và phục vụ các bài toán cảnh báo, dự báo về tài nguyên và môi trường.


Văn bản liên quan

- Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 06 năm 2017 của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.

- Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

- Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường.

- Thông tư số 05/2016/TT-BTNMT ngày 13 tháng 05 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

- Thông tư số 19/2013/TT-BTNMT ngày 18 tháng 07 năm 2013 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc tài nguyên nước dưới đất

- Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn 2030.

- Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 24/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.

- Quyết định số 417/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

- Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường (Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 24/10/2017).


Tổ chức cá nhân đưa ra bài toán

- Tổ chức: Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Cá nhân:

+ Họ và tên: Nguyễn Ngọc Vũ

+ Chức vụ: Trưởng phòng

+ Điện thoại: 0904.438.696

+ Thư điện tử: nnvu@monre.gov.vn


Tổ chức, cá nhân sẵn sàng cho áp dụng thử nghiệm

- Tên cơ quan: Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường.

Một số lĩnh vực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Môi trường, …

Một số Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh/thành phố.


Thông tin liên hệ

- Tổ chức: Bộ Thông tin và Truyền thông

- Cá nhân: 

+ Họ và tên: 

+ Chức vụ: 

+ Điện thoại: 

+ Thư điện tử: