6 kết quả nổi bật trong triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023

Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo 6 kết quả nổi bật trong triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023. Đây là cơ sở đánh giá hoạt động chuyển đổi số nửa đầu năm 2023 và đề ra phương hướng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng cuối năm 2023.



1. VỀ THỂ CHẾ SỐ

- Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại phiên họp sáng ngày 22/6/2023, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Luật có tác động đến 139 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, gồm 11 văn bản điều ước quốc tế, 26 luật, 113 văn bản hướng dẫn các cấp. Luật quy định giá trị pháp lý của các thành tố cơ bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực lên môi trường số, giúp nhiều luật hiện nay có hiệu lực thi hành ngay trên môi trường số. Đây có thể coi là luật cơ bản về chuyển đổi số, là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế cho chuyển đối số.

2. VỀ HẠ TẦNG SỐ

- Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 93,31 Mbps, tăng 29,98% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 42 và cao hơn trung bình thế giới là 79,28 Mbps. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 47,27 Mbps, tăng 33,95% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 47 và cao hơn trung bình thế giới là 42,3 Mbps. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021- 2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023. Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, với tổng số 571 nghìn máy chủ, 54,7 triệu lõi vật lý.

3. VỀ NHÂN LỰC SỐ

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung 5 mã ngành mới vào chương trình đào tạo đại học, sau đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Kinh tế số, Công nghệ giáo dục và Công nghệ tài chính. Số lượng tuyển sinh đào tạo kỹ sư, cứ nhân về máy tính và công nghệ thông tin năm 2022 đạt 70.000, tăng 16% so với năm 2021.

4. VỀ NỀN TẢNG SỐ

- Tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022. 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gân 10% so với cùng kỳ năm 2022.

5. VỀ CHÍNH PHỦ SỐ

- Đề án 06, được goi là một mũi đột phát của chuyển đổi số quốc gia, là hạt nhân thúc đẩy cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, nâng cao chất lượng 53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, cấp trên 45 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.

- Cổng dịch vụ công quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2023 có 3,6 triệu tài khoản đăng ký mới, nâng tổng số tài khoản lũy kế là 7,7 triệu, ghi nhận hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đến hết tháng 6/2023, Cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương có chuyển biến rõ rệt về chất lượng so với cuối năm 2022.

- Trong 6 tháng đầu năm 2023, trung bình có 18 giao dịch 1 giây, 1,59 triệu giao dịch 1 ngày qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); 57 giao dịch 1 giây; 5,01 triệu giao dịch 1 ngày qua hệ thống giám sát, đo lường dịch vụ chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông.

6. VỀ KINH TẾ SỐ

- Ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số trong GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao ở mức 21% so với cùng kỳ năm 2022. Báo cáo thường niên kinh tế số e-Connomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2022 có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gân 20% so với năm 2021. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài tiêu biểu trong 6 tháng đầu năm 2023 gồm: Viettel, FPT, CMC, Rikkei, VMO, NTQ, TMA và LTS.

Bài viết mới nhất

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên cả nước
Phổ cập tên miền quốc gia .vn để phát triển kinh tế số và xã hội số