VAI TRÒ CỦA TỔ CÔNG NGHỆ SỐ CỘNG ĐỒNG TRONG “CHIẾN DỊCH 92 NGÀY ĐÊM” TỈNH BÌNH PHƯỚC
Là một trong những lực lượng nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ của chiến dịch 92 ngày đêm tỉnh Bình Phước về nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số, các Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) của tỉnh đã tích cực thể hiện vai trò tiên phong, sáng tạo.
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tỉnh Bình Phước đã kết thúc thắng lợi chiến dịch 92 ngày đêm, để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh liên quan đến chuyển đổi số cũng như những giải pháp rút ra đối với công tác chuyển đổi số của tỉnh, có giá trị tham khảo đối với các địa phương trên toàn quốc.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số, cũng như nỗ lực tạo ra bứt phá, thành công trong thực hiện chuyển đổi số theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 và thí điểm triển khai Tổ CNSCĐ tại các địa phương theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Văn bản thành lập Tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh và kịp thời ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm (từ ngày 01/6 đến ngày 31/8/2022). Trong đó, đề ra mục tiêu cụ thể như sau:
(1) Toàn tỉnh phải đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%;
(2) Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%. Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%;
(3) Giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đạt 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, không để hồ sơ chuyển qua trạng thái quá hạn.
Sự chung tay vào cuộc từ lãnh đạo các cấp tỉnh đến địa phương tỉnh Bình Phước (Nguồn Báo Vietnamnet.PNG)
Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể là động lực chính trong chuyển đổi số, Bình Phước đã triển khai thành lập 956 Tổ CNSCĐ với hơn 5.400 thành viên tham gia. Thiết lập kênh truyền thông Zalo “CNCĐ Bình Phước” với sự tham gia của 116 thành viên từ cấp tỉnh đến thôn, ấp. Bên cạnh đó, cấp xã cũng thiết lập kênh Zalo riêng cho toàn bộ thành viên trong Tổ CNSCĐ thôn, ấp, tạo nên mạng lưới hỗ trợ đều khắp, sát với thực tế, giải quyết các vướng mắc từ cơ sở. Các Tổ CNSCĐ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia sử dụng các nền tảng số trên địa bàn tỉnh.
Phát huy vai trò, lợi thế là cầu nối của chính quyền địa phương, để thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân. Tổ CNSCĐ đã nỗ lực đưa chuyển đổi số đến với người dân bằng nhiều hình thức:
1. Triển khai các lớp tập huấn với 100% các thành viên Tổ CNSCĐ được hướng dẫn về kỹ năng số, sử dụng các nền tảng số, thương mại điện tử… Đặc biệt, nền tảng học trực tuyến mở đại trà MOOCs đã được sử dụng hiệu quả trong việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các thành viên Tổ CNSCĐ.
2. Thực hiện đúng phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn cho các hộ dân sử dụng DVCTT.
Cán bộ Thị Đoàn Bình Long hướng dẫn các hội, đoàn thể quét mã QR công trình chuyển đổi số eBook (Nguồn: Báo Bình Phước)
3. Vận động nguồn lực doanh nghiệp hỗ trợ. Tỉnh đã vận động thành công các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông 900 chiếc smartphone với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng. Tổ chức tặng smartphone cho các thanh niên tình nguyện để hỗ trợ thêm công cụ cho lực lượng này tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân dùng DVCTT.
4. Ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, tỉnh Bình Phước đã thành lập nhóm Zalo “Chiến dịch 92 ngày đêm” các cấp tỉnh, huyện, xã nhằm đảm bảo thông tin, số liệu về tiến độ triển khai luôn được cập nhật. Những vướng mắc, khó khăn đều được xử lý kịp thời.
5. Thường xuyên có đánh giá để biểu dương hoặc nhắc nhở lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương trong việc triển khai. Tổ chức hội nghị sơ kết trực tuyến hàng tháng từ tỉnh đến cấp cơ sở để kịp thời có những biện pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện các nhiệm vụ.
Tổ CNSCĐ xã Thanh Phú Khiếu Ngọc Tiển trao tặng bảng mica tích hợp mã QR ngân hàng cho các cửa hàng tạp hoá và tiệm thuốc tây trên địa bàn xã (Nguồn: Báo Bình Phước)
Kết thúc Chiến dịch 92 ngày đêm, Bình Phước cũng đã thiết lập tài khoản và khai thác sử dụng các cổng dịch vụ công; tập huấn chữ ký số, các ứng dụng cho 163.410 thành viên tham gia. Nhờ sự hỗ trợ này, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 220 doanh nghiệp, hợp tác xã đưa 466 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; ngành thuế đã chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
1. Một trong những rào cản lớn nhất trong thực hiện chuyển đổi số là thói quen "ngại thay đổi"; đồng thời muốn thực hiện hiệu quả chuyển đổi số phải nâng cao trách nhiệm, kỹ năng số của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thành viên Tổ CNSCĐ.
2. Triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số nói chung, DVCTT nói riêng cần có sự đồng thuận từ tỉnh đến cơ sở; có sự quyết liệt, gương mẫu, sáng tạo, đi đầu của người đứng đầu các cấp; cần phát huy sự trợ giúp tích cực của các Tổ CNSCĐ.
3. Cần huy động các nguồn lực xã hội hóa như: hỗ trợ điện thoại thông minh; tiền điện thoại, biểu dương, khen thưởng kịp thời … cho những thành viên tham gia Tổ CNSCĐ, để họ yên tâm cống hiến trong hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.
Hội nghị tổng kết "Chiến dịch 92 ngày đêm", Tổ CNSCĐ hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT - (Nguồn: Báo Bình Phước)
4. Thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng (trực tiếp và trực tuyến) cho các thành viên Tổ CNSCĐ để nâng cao kiến thức, kĩ năng, nghiệp vụ hướng dẫn.
5. Để chuyển đổi số thành công thì mỗi người dân phải trở thành công dân số. Ngoài lực lượng Tổ CNSCĐ trực tiếp tham gia tuyên truyền, hướng dẫn thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, đài truyền thanh cơ sở để nâng cao nhận thức người dân./.