Công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 trong nhân lực số
Tiếp sau nhận thức số, nhân lực số được coi là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiếp sau nhận thức số, nhân lực số được coi là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong những bước tiến cụ thể của chuyển đổi số, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", đây là sự khẳng định của Thủ tướng cũng như bộ máy chính phủ Việt Nam về việc coi trọng nhân lực số trong giai đoạn này. Quan điểm chủ đạo có dẫn dắt: "Nâng cao nhận thức là tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số vì nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số", "Phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện". Quan điểm này cũng đã chỉ rõ việc sau sự phổ cập nhận thức số là sự chuẩn bị đội ngũ nhân lực số hùng hậu, tinh nhuệ, là sự chuẩn bị cho lực lượng tham gia chính trong chuyển đổi số. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh điều này trong rất nhiều nội dung, phiên họp, bài phát biểu và mới đây nhất, thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh: Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược.
Trong năm 2022, khi đại dịch dần bị làm chủ, các hoạt động chuyển đổi số cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ. Điểm qua một số hoạt động, công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 về nhân lực số:
- Thực hiện nhiệm vụ của Đề án, 15/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Nền tảng học trực tuyến mở đại trà Onetouch (https://onetouch.mic.gov.vn/), đã hoàn thành 3 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 1.648 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương; dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác chuẩn bị bồi dưỡng chuyển đổi số cho khoảng 30.000 công chức, viên chức, 200.000 thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân.
- Cùng với đó là sáng kiến Tổ Công nghệ số cộng đồng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản hướng dẫn thí điểm triển khai và biên soạn các tài liệu để hướng dẫn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng và cho người dân. Đến nay đã có 47/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 40.590 Tổ Công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 200.000 thành viên tham gia. Tài liệu biên soạn cho Tổ Cộng nghệ số cộng đồng cũng được xây dựng đầy đủ các định dạng từ slide, bài giảng, áp phích, tệp âm thanh tuyên truyền và dễ dàng truy cập, xem, tải về và chia sẻ từ một đường link duy nhất.
Tuy nhiên bên cạnh đó thì vẫn có nhiều hạn chế cần nhanh chóng thay đổi khắc phục:
- Về số lượng, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin/tổng số lao động của Việt Nam ước đạt gần 1%, thấp hơn một số quốc gia mạnh về công nghệ thông tin như Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%). Về chất lượng, báo cáo của TopDev, một trong những công ty hàng đầu về tuyển dụng công nghệ thông tin, công bố năm 2021 cho thấy chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc. Năm 2022, cùng với xu thế phát triển chuyển đổi số và sự chuyển dịch các vùng kinh tế trên thế giới, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin/tổng số lao động của Việt Nam có thể tăng cao tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như cạnh tranh nguồn nhân lực các quốc gia lớn vẫn không phải câu chuyện một sớm một chiều.
- Về kỹ năng, Việt Nam chưa có chuẩn kỹ năng số quốc gia mà hiện mới chỉ có chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành từ năm 2014, dựa trên những nghiên cứu, khảo sát của giai đoạn trước đó, thiếu một số nội dung như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo v.v…. Các kỹ năng số thực tiễn cho người dân mới bước đầu được xây dựng, thí điểm triển khai, chưa có hiệu quả rõ rệt.
- Việc triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng tại địa phương còn mang tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Vì vậy, để 6 tháng cuối năm cũng như tổng thể 2022, nhân lực số của Việt Nam lớn mạnh, phát triển thì vẫn là câu chuyện cần sự chung tay, chung sức đồng lòng của cả bộ máy chính trị, người dân và sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp. Một trong những cách làm đơn giản để thúc đẩy chuyển đổi số từ bạn đọc là chia sẻ bài viết, kênh truyền thông Zalo OA này và gửi về cho kênh những câu chuyên chuyển đổi số thực tiễn, những con số cụ thể để toàn bộ người dân Việt Nam thấy được con số thực tế từ đó có thay đổi cụ thể trong thời gian tới./.