Sổ tay đảng viên điện tử tại Thái Bình

Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”. Sau nửa năm thực hiện, từng chi bộ, đảng viên đã bắt kịp với công nghệ 4.0, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt, đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức, cơ sở đảng.

A. TÓM TẮT KẾT QUẢ

Công nghệ thông tin (CNTT) là câu chuyện của người đứng đầu hoặc Giám đốc CNTT. Nhưng chuyển đổi số lại là câu chuyện của người đứng đầu. Không thể có Giám đốc CNTT nào có thể triển khai chuyển đổi số cho cả tổ chức thành công được nếu không có sự vào cuộc trực tiếp của người đứng đầu.

Tháng 01/2022, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư tỉnh ủy và Ban Thường vụ tỉnh ủy Thái Bình, sau gần một năm rưỡi xây dựng và triển khai thí điểm, Thái Bình đã chính thức khai trương và trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử".

Đến nay, tổng số đảng viên cập nhật trên phần mềm là trên 100.000 đảng viên, sinh hoạt tại trên 5.000 chi bộ.

Đối với các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, 100% các tổ chức cơ sở đảng đã triển khai đến đảng viên, trên 95% đảng viên sử dụng thành thạo phần mềm, thường xuyên ứng dụng phần mềm trong công tác sinh hoạt đảng định kỳ hàng tháng. Trên 70% đảng viên thuộc đảng bộ các xã, phường, thị trấn khai thác, sử dụng phần mềm.

Phần mềm được triển khai bước đầu đã có hiệu quả rõ rệt về thay đổi tư duy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và sinh hoạt tại các chi bộ. Từng bước thay thế hình thức cung cấp thông tin truyền thống và nâng cao chất lượng học tập nghị quyết trên không gian mạng.

B. CÁCH LÀM ĐI ĐẾN KẾT QUẢ

1. Sự cần thiết

Hệ thống Mạng văn phòng điện tử liên thông tỉnh Thái Bình đã trở thành môi trường làm việc số quen thuộc và hữu ích đối với tất cả cán bộ đảng viên đang công tác trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Tuy nhiên, đối với lực lượng lớn các cán bộ, đảng viên (chiếm tỷ lệ trên 50%) đã về hưu hoặc đang sinh hoạt tại các chi bộ nông thôn, tổ dân phố tại 260 xã phường, thị trấn và các đảng viên trong khối doanh nghiệp trên toàn tỉnh, thì làm thế nào để kịp thời cung cấp và trao đổi thông tin một cách chính thống, thuận tiện nhất góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng tại cơ sở, thực sự trở thành lực lượng trực tiếp tuyên truyền cung cấp thông tin tới các tầng lớp nhân dân là trăn trở đặt ra đối với người đứng đầu một tỉnh.

Đó là yếu tố then chốt thôi thúc Ban Thường vụ tỉnh ủy quyết định xây dựng và đưa vào triển khai phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" tỉnh Thái Bình.

2. Mục đích, yêu cầu

Quyết tâm chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng và đưa vào triển khai Sổ tay đảng viên điện tử trong toàn tỉnh Thái Bình

Từng bước thực hiện số hóa nghiệp vụ công tác Đảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động thực tiễn của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên theo chủ trương của Trung ương và của cấp ủy tỉnh.

Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt và chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng thông qua cung cấp các tiện ích phục vụ các cuộc họp giao ban của đảng ủy và sinh hoạt chi bộ hàng tháng và một số tiện ích khác phục vụ công tác xây dựng đảng, quản lý đảng viên.

Hỗ trợ đảng viên trong việc nghiên cứu, học tập các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của cấp ủy tỉnh; đồng thời cập nhật kịp thời, chính xác những thông tin thời sự của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và các cấp ủy đảng, góp phần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng đến các đảng viên trong Đảng bộ.

Hỗ trợ các cấp ủy đảng trong công tác thu thập, tiếp nhận các góp ý, phản hồi của đảng viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên thuộc tổ chức cơ sở đảng quản lý.

3. Giải pháp

3.1. Tính năng phần mềm

Phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" được xây dựng cả trên môi trường web dành cho quản trị (cấp ủy các cấp) và trên nền tảng di động để các đảng viên có thể cài đặt, sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói trong việc cung cấp thông tin tới đảng viên, phục vụ các đảng viên cao tuổi và trợ lý ảo hỗ trợ tìm kiếm thông tin. Phần mềm cũng được cá nhân hoá giao diện, tăng tính tương tác, hướng đến đối tượng người dùng.

Các tính năng được xây dựng khoa học, đơn giản, dễ dùng, tạo thuận tiện cho đảng viên trong khai thác và sử dụng, bao gồm:

Tính năng cung cấp thông tin nổi bật về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh và của cấp ủy các cấp; tin tức quốc tế. Tính năng cung cấp các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh và các văn bản chỉ đạo của cấp ủy đảng cơ sở. Tính năng hỗ trợ công tác tổ chức sinh hoạt đảng bộ, chi bộ. Tính năng hỗ trợ công tác nghiên cứu, học tập các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; các chuyên đề hàng tháng về học tập, làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh... Tính năng hỗ trợ cấp ủy đảng cơ sở tiếp nhận và phản hồi các câu hỏi, ý kiến của đảng viên; hỗ trợ ra thông báo của đảng uỷ, chi uỷ gửi đến đảng viên. Tính năng hỗ trợ đảng viên xây dựng lịch công tác cá nhân; ghi nhớ các nhiệm vụ công việc được giao và báo cáo tiến độ thực hiện công việc; thống kê, tổng hợp đề xuất các báo cáo cho từng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng các cấp; hỗ trợ cấp uỷ đảng cấp trên nắm bắt được thông tin hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới… sẵn sàng tích hợp giải pháp kỹ thuật hỗ trợ họp chi bộ theo hình thức trực tuyến (khi được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền). Tính năng công bố xếp hạng đảng viên tích cực, qua đó có cơ chế khen thưởng kịp thời, khuyến khích, động viên các đảng viên tích cực vào ứng dụng.

3.2. Triển khai thử nghiệm và nhân rộng

Trước khi đưa vào triển khai diện rộng trong phạm vi toàn Đảng bộ tỉnh, Phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" được triển khai thử nghiệm từ tháng 5 đến tháng 10/2021 với 06 đảng bộ và 40 chi bộ.

Các đảng uỷ được lựa chọn tiến hành họp và triển khai các văn bản của Tỉnh uỷ về công tác thực hiện thí điểm phần mềm cho các đồng chí đảng uỷ viên, ban chi uỷ của các chi bộ, phân công nhiệm vụ cho đồng chí đảng uỷ viên phụ trách hướng dẫn cho các chi bộ tổ chức thực hiện.

Trong giai đoạn triển khai mở rộng từ tháng 11/2021 đến tháng 01/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề xuất 29 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị để giúp việc Ban Quản lý đề án; thành lập 07 đoàn tham gia triển khai phần mềm tại các huyện, thành phố; tổ chức triển khai giảng thử, rút kinh nghiệm, biên soạn nội dung giáo án để triển khai diện rộng trong toàn tỉnh.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, song trong khoảng thời gian ngắn (25 ngày) các đoàn đã hoàn thành khối lượng công việc lớn với gần 300 lớp tập huấn với trên 50.000 học viên. Đối với các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, 100% các tổ chức cơ sở đảng đã triển khai đến đảng viên, trên 95% đảng viên sử dụng thành thạo phần mềm, thường xuyên ứng dụng phần mềm trong công tác sinh hoạt đảng định kỳ hàng tháng. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, đến nay có trên 70% đảng viên thuộc đảng bộ các xã, phường, thị trấn khai thác, sử dụng phần mềm.

4. Tổ chức triển khai

4.1. Xây dựng nội dung

Thường trực Tỉnh uỷ đã quyết định thành lập Ban Biên tập Sổ tay đảng viên điện tử để biên tập nội dung thông tin, tài liệu cập nhật vào phần mềm. Các Ban xây dựng Đảng thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện kho nội dung cho phần mềm:

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì cung cấp thông tin về Bản tin nội bộ, học tập nghị quyết. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì cung cấp thông tin nghiệp vụ công tác Đảng. Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì cung cấp thông tin về văn bản, thường trực tổng hợp và cập nhật thông tin lên phần mềm, chủ trì công tác tập huấn triển khai phần mềm trong toàn đảng bộ…..). Báo Thái Bình chủ trì cung cấp thông tin về thời sự, chính luận. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tham mưu đề xuất các giải pháp kỹ thuật để hoàn thiện phần mềm, cung cấp những tiện ích nhất đối với người dùng. Các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch triển khai và duy trì hoạt động của "Sổ tay đảng viên điện tử". Đối với các chi bộ nông thôn có nhiều người cao tuổi, Đảng ủy xã thành lập các tổ công tác, cử các đảng viên trẻ, lực lượng giáo viên tại các nhà trường đến trực tiếp hỗ trợ đảng viên việc ứng dụng phần mềm tại các kỳ sinh hoạt chi bộ.

4.2. Cơ chế chính sách

Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ trì tham mưu xây dựng quy chế sử dụng phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" và hướng dẫn thực hiện. Trong đó quy định rõ các tiêu chí làm cơ sở đánh giá bình xét thi đua, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng hằng năm.

Về công tác kiểm tra giám sát, các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp uỷ viên cấp huyện tăng cường theo dõi, đôn đốc địa bàn được phân công phụ trách để kiểm tra, hướng dẫn, bảo đảm việc sử dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" được duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả cao.

4.3. Thông tin, tuyên truyền

Báo Thái Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hệ thống đài truyền thanh cơ sở, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh tạo lập chuyên mục, xây dựng các chuyên đề tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của phần mềm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Hiệu quả mang lại bước đầu

Nhìn chung, đảng viên tiếp thu với tinh thần trách nhiệm cao, hào hứng tìm hiểu và tích cực khai thác, sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử.

Phần mềm được triển khai bước đầu đã có hiệu quả rõ rệt về thay đổi tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và sinh hoạt tại các chi bộ. Với những chức năng được xây dựng, phần mềm từng bước thay thế hình thức cung cấp thông tin truyền thống, đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng học tập nghị quyết trên môi trường mạng. Đảng viên được trực tiếp nghe các đồng chí báo cáo viên từ cơ quan trung ương, Lãnh đạo tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh trình bày nội dung các Nghị quyết, văn kiện của Đảng. Kết quả triển khai thí điểm việc học tập Nghị quyết trên phần mềm cho thấy hình thức này rất phù hợp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nếu như trước đây đến kỳ sinh hoạt chi bộ đảng viên mới được tiếp cận thông tin, văn bản từ Bản tin nội bộ của tỉnh, của huyện thì hiện nay khi ứng dụng phần mềm đảng viên được tiếp cận thông tin sớm hơn, chủ động tham gia đóng góp xây dựng nghị quyết của chi bộ trước và trong cuộc họp từ đó góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bên cạnh các thông tin chính luận, thời sự, phần mềm thu hút sự quan tâm của cán bộ đảng viên qua việc cung cấp các thông tin hữu ích về sức khỏe, đời sống, văn nghệ, thể thao, xây dựng nông thôn mới, điểm đến cuối tuần... Ứng dụng trở thành món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu đối với cán bộ đảng viên. Tới đây nếu triển khai triệt để sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí in ấn bản tin nội bộ của tỉnh và của huyện, cắt giảm chi phí hội họp, học tập triển khai Nghị quyết.

6. Tồn tại và hạn chế

Bên cạnh các thuận lợi, trong quá trình triển khai phần mềm còn gặp một số khó khăn, hạn chế: Đảng viên ở chi bộ thôn, tổ dân phố đa phần tuổi cao nên không sử dụng điện thoại thông minh; một số có điện thoại thông minh nhưng chỉ dùng để nghe, gọi, chưa khai thác các tính năng của điện thoại. Một số cấp ủy chi bộ chưa có máy vi tính để soạn thảo, cập nhật nội dung sinh hoạt chi bộ vào phần mềm.

7. Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, có thể khẳng định, Thái Bình xây dựng được phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" với đầy đủ tính năng, tiện ích, lấy người dùng làm trung tâm như vậy là cả một quá trình dài dày công nghiên cứu xây dựng, hiện thực hóa các ý tưởng, chuẩn bị về giải pháp phần mềm, công phu trong tổ chức triển khai thực hiện với sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban bộ, ngành trung ương; sự quyết tâm rất cao của cấp ủy tỉnh và cá nhân đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.

Thứ hai, là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các thành viên trong Ban chỉ đạo, tổ giúp việc xây dựng đề án, thành viên ban biên tập và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba, kho nội dung thông tin phong phú về học tập nghiên cứu các Chỉ thị, Nghị quyết của đảng, thông tin thời sự nhanh và chính xác; hình thức hiển thị đa dạng, đã cuốn hút người dùng.

Thứ tư, công tác xây dựng và tập huấn triển khai phần mềm được triển khai bài bản, từ tỉnh, huyện đến xã đều thành lập các tổ công tác, huy động sự vào cuộc của Đảng viên trẻ tham gia tập huấn, hỗ trợ triển khai phần mềm. Thông qua thời gian thí điểm, lấy ý kiến góp ý của Đảng viên tại cơ sở, Thái Bình đã xây dựng bài toán từ những yêu cầu đề xuất của Đảng viên, các tính năng sát hợp với Đảng viên. Phần mềm đầy đủ về tính năng, đơn giản về thao tác, tiện ích hỗ trợ tối đa người dùng. Qua đó các đảng viên đã hào hứng tiếp nhận, sử dụng tích cực, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Thứ năm, công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua cấp ủy đảng tới từng đảng viên để hiểu rõ các tính năng, tiện ích mà phần mềm mang lại cũng như cách thức khai thác và sử dụng.

Việc chính thức triển khai phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" thể hiện quyết tâm của Tỉnh ủy Thái Bình trong việc chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Đảng, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức, cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đây cũng là nội dung quan trọng của Thái Bình góp phần triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bài viết mới nhất

Thư viện sách số
An toàn trên mạng - Lá chắn thép trong kỷ nguyên số