Dịch vụ công trực tuyến (Tuần 40)

Tiếp nối Chuyên đề "Dịch vụ công trực tuyến", Chuyên đề tuần này tiếp tục điểm lại các số liệu nổi bật, từ đó nhìn nhận sự thay đổi sau khi các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng kết kết quả triển khai đến hết quý III/2022.

Cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh, hướng tới phát triển chính phủ số. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đến nay, hầu hết DVCTT (khoảng 98%) đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4; gần 68% DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến; nhiều địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, trong đó:

- 19 tỉnh đã ban hành văn bản giao chỉ tiêu cho từng cơ quan nhà nước trên địa bàn về tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến: Hòa Bình, Long An, Đắk Lắk, TP. Hải Phòng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đắk Nông, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Bến Tre, TP. Cần Thơ, Quảng Ngãi, Cao Bằng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Quảng Ninh.

- 07 tỉnh ban hành chính sách khuyến khích người dân sử dụng DVCTT như giảm thời gian, chi phí sử dụng dịch vụ: TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Thái Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Bắc Giang, Long An.

Mặc dù các kết quả đạt được là rất quan trọng, tạo tiền đề cung cấp dịch vụ của chính phủ số trong giai đoạn mới; nhưng hiệu quả cung cấp DVCTT còn chưa cao; đặc biệt là việc cung cấp DVCTT toàn trình còn rất hạn chế, chưa tuân thủ Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Báo cáo chuyên đề tuần 40 tiếp tục tổng kết các số liệu của bộ, ngành địa phương trên cả nước, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm triển khai DVCTT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tp. Đà Nẵng và của quốc tế để các đơn vị có căn cứ nhìn nhận phấn đấu các nội dung cho việc cung cấp thông tin và và dịch vụ công trực tuyến hướng tới mục tiêu cần đạt kết thúc năm nay.



Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, đáp ứng các yêu cầu tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, cơ quan nhà nước cần thực hiện sớm các nội dung:

(1) Rà soát các thủ tục hành chính trong phạm vi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xác định và công bố Danh mục DVCTT toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần;

(2) Kết nối toàn diện, triệt để Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và DVCTT của các cơ quan nhà nước;

(3) Khai thác các công cụ dùng chung do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp để phát triển Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công;

(4) Khuyến nghị giao cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai, xây dựng, quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật của các hệ thống thông tin cung cấp thông tin và DVCTT của bộ, tỉnh để bảo đảm việc triển khai được đồng bộ, thông suốt từ Trung ương đến địa phương;

(5) Bảo đảm nguồn nhân lực, kinh phí, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP để cung cấp thông tin và DVCTT được liên tục, hiệu quả.

Chi tiết báo cáo xem tại đây.


Bài viết mới nhất

Làng số
THÔNG CÁO BÁO CHÍ: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT  ĐỀ ÁN “KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY, NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT  VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG  ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”