Kết quả thực hiện Đề án 146 năm 2022

Sau 01 năm triển khai Đề án“Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao và bước đầu đạt được những kết quả nhất định.


Với quan điểm nâng cao nhận thức là tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số vì nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện. Phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 28/01/2022, tại Quyết định số 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Đề án) nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.


Được sự hưởng ứng, tích cực thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, Đề án bước đầu đạt được những kết quả nổi bật như sau:

Công tác chỉ đạo, điều hành

Để chuyển đổi số thành công, trước hết cần chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi tư duy về cách sống, cách làm việc truyền thống của mỗi người đã được định hình trong nhiều năm. Con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển của chuyển đổi số. Vì vậy mỗi người cần được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, cần được phổ cập kỹ năng số để có thể thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số hiệu quả, an toàn và phát triển bền vững. Đây là nhiệm vụ, giải pháp nền tảng, quan trọng hàng đầu cần được thực hiện trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời cũng là sứ mệnh, mục tiêu chung của Đề án. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 489/BTTTT-THH ngày 17/02/2022 gửi các bộ, ngành, địa phương về việc hướng dẫn triển khai Đề án nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành. Đến nay, 25/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, do đó các bộ, ngành, địa phương đã từng bước xây dựng các nội dung truyền thông về chuyển đổi số thống nhất, đồng bộ và xuyên suốt từ Trung ương đến cấp xã, gắn với điều kiện đặc thù từng ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn tạo được nhận thức chung về chuyển đổi số trong toàn xã hội, đồng thời bảo đảm được mục đích và hiệu quả truyền thông cho từng đối tượng. Kết quả triển khai cụ thể:

- 100% các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hội nghị, hội thảo, chương trình, sự kiện nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

- 100% các bộ, ngành, địa phương đã thiết lập chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, địa phương.

- Sản xuất các chương trình truyền hình nội dung về chuyển đổi số với gần 500 tập phim Chương trình "Quốc gia số" trên kênh VTV1 và nhiều chương trình khác với đa dạng hóa nội dung tại các đài phát thanh, truyền hình, các cơ quan thông tấn, báo chí trên toàn quốc.


- Xây dựng các kênh truyền thông "Chuyển đổi số quốc gia": Trong đó, kênh Zalo OA đã có hơn 139.000 lượt theo dõi với trung bình hơn 10.000 lượt tương tác mỗi bài viết. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ https://dx.gov.vn/ đây là điểm truy cập chính thức của "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2023, định hướng đến năm 2030" và "Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2023". Tại Cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia thường xuyên đăng tải các tin tức, nội dung liên quan đến chuyển đổi số, phân theo hệ thống chuyên mục như: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số; hệ thống các chuyên trang như: Bài toán chuyển đổi số, Câu chuyện chuyển đổi số, Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia, An toàn thông tin mạng, Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (One Touch), Cẩm nang Chuyển đổi số, Make in Việt Nam, Cổng thông tin đánh giá và xếp hạng chuyển đổi số,… Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thực hiện đăng tải các chương trình ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

- Tổng hợp các câu chuyện và bài toán về chuyển đổi số: Xây dựng Cổng thông tin các bài toán Chuyển đổi số. Đã có 11/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 09 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã gửi đề xuất các bài toán lớn cần giải quyết để thực hiện chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 72 bài toán chuyển đổi số và đưa các bài toán chuyển đổi số này thành đầu bài trong Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia - Viet Solutions năm 2022; tổng hợp và công bố 21 câu chuyện chuyển đổi số Việt Nam từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp

- Lựa chọn Biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia: Bộ Thông tin và Truyền thông đã lựa chọn Biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia với hình ảnh như một vòng tròn được hợp thành bởi 3 cánh ôm trọn với ba ý nghĩa:


Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm và động lực, người dân nằm ở trung tâm, là động lực được thúc đẩy bởi 3 cánh là 3 trụ cột trong chuyển đổi số gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; chuyển đổi số khi lấy người dân làm trung tâm cần phát triển 3 khía cạnh là chỉ ra cho người dân nhận thức đúng, thúc đẩy kỹ năng số cho người dân và tạo ra bộ công cụ phù hợp cho người dân trong thời đại số; các cánh trên biểu trưng tạo thành hình tròn để thể hiện được việc chuyển đổi số cần được thực hiện liên tục và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình và điểm nhấn ở giữa là đại diện cho những người đứng đầu sẽ là người chỉ đạo, định hướng và dẫn dắt chuyển đổi số.

Biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia được các bộ, ngành, địa phương đồng bộ sử dụng trên các kênh truyền thông về chuyển đổi số do cơ quan, đơn vị quản lý, trong các ấn phẩm truyền thông, hệ thống tài liệu, học liệu phục vụ tập huấn và bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số cộng đồng.

- Tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia: 30/30 bộ ngành và 63/63 địa phương đã lựa chọn ngày Chuyển đổi số, trong đó 03 bộ, ngành và 05 địa phương chọn ngày Chuyển đổi số riêng. Ngày 10/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu. Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tham dự và truyền tải Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

- Tổ chức các cuộc thi về chuyển đổi số: Cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia - Viet Solution"; cuộc thi "Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN năm 2022"; cuộc thi "Tìm hiểu về Chuyển đổi số" tại Bộ Nội vụ,... với đông đảo sự tham gia từ đa dạng các đối tượng công chúng.


Phổ cập kỹ năng số cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia

Phổ cập kỹ năng số và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau thời gian triển khai, đã đạt được các kết quả đáng mừng như:

- Triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tại các địa phương:63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư. Với hơn 74.521 Tổ CNSCĐ và 348.629 thành viên, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số với 4.839 lượt cán bộ, công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương và 28.989 cán bộ Lãnh đạo UBND cấp xã trên toàn quốc trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (One Touch) tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn.


- Tổ chức bồi dưỡng 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số: Việc triển khai bồi dưỡng cho 100 chuyên gia Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức định kỳ hằng năm, bắt đầu từ năm 2020. Đây là đội ngũ hạt nhân nòng cốt về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 02 Hội nghị tập huấn, đào tạo cho 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Giang với mục tiêu cung cấp những kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bài học kinh nghiệm hay về triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam, đồng thời hình thành một mạng lưới chuyên gia Chính phủ điện tử, chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng học hỏi kinh nghiệm, giúp tháo gỡ các khó khăn và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, cùng chung tay thực hiện tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam.

- Tổ chức, đào tạo trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông về phương pháp STEM/STEAM: Hội thảo trực tuyến về phát triển các Chương trình trải nghiệm STEM cho học sinh, sinh viên được đông đảo các phòng giáo dục và trường học tham gia.

- Triển khai mô hình Giáo dục đại học số: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn 05 cơ sở giáo dục đại học để tổ chức thí điểm đề án xây dựng mô hình giáo dục đại học số.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm "Xây dựng mô hình giáo dục đại học số tại Việt Nam"


- Triển khai Chương trình "Học từ làm việc thực tế": Tại Đề án, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm vụ xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình "Học từ làm việc thực tế" với mục tiêu cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, liên kết các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp; xây dựng và tổ chức triển khai các nền tảng số kết nối các cơ sở giáo dục, đào tạo với các doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin, thúc đẩy học từ làm việc thực tế; đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động thích ứng với thị trường lao động, kết nối cung cầu thị trường lao động. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu để triển khai đồng bộ với các nội dung theo "Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030" tại Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa việc triển khai Đề án, trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trên tinh thần tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Đề án, đồng thời gắn kết với chủ đề chuyển đổi số của năm 2023: "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị"./.


Bài viết mới nhất

Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Già làng số - già dặn trong tư duy tiếp cận và tìm phương thức mới trong thời đại số