Giải pháp ATM mềm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Lạng Sơn là tỉnh duy nhất đã phát triển, triển khai được nền tảng số ATM mềm, thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4, kinh tế số, cửa hàng số và giúp cho giáo viên, nhân dân thuận tiện trong cuộc sống.

A. TÓM TẮT KẾT QUẢ

Từ tháng 12/2021, giải pháp máy ATM mềm đã chính thức được tỉnh Lạng Sơn đưa vào vận hành, cung cấp dịch vụ. Hai ngành Bưu điện và Ngân hàng đã phối hợp triển khai cung cấp dịch vụ mở tài khoản thanh toán và rút tiền mặt bằng mã rút tiền được tạo trên ứng dụng điện thoại di động thông minh (App MBBank). Hiện nay, Lạng Sơn đã triển khai được 68 điểm ATM mềm phục vụ việc nạp, rút tiền tại 68 điểm Bưu điện văn hoá xã có người phục vụ tại 11 huyện, thành phố, các điểm còn lại sẽ được triển khai khẩn trương trong thời gian tới.

Với 68 điểm tại các xã, phường, thị trấn, việc nạp/rút tiền thông qua cây ATM mềm đã giúp cho người dân rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian, tạo điều kiện thuận lợi tối đa và an toàn cho người dân vùng nông thôn cũng như các tổ chức thực hiện các chức năng giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt ngay trên địa bàn xã.

Chuyển đổi số cho ATM tại điểm Bưu điện văn hóa xã có người phục vụ góp phần giải quyết khó khăn cho hàng trăm ngàn người dân vùng nông thôn và 20.000 giáo viên có tài khoản điện tử không phải đi hàng chục ki-lô-mét đường rừng, núi để rút tiền; thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4, phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn. Việc mở rộng triển khai ATM mềm 200/200 xã còn giúp tỉnh tiết kiệm được 300 tỷ đồng trong 05 năm kinh phí đầu tư, triển khai, duy trì; đồng thời, góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thói quen sử dụng tài khoản thanh toán cho người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

B. CÁCH LÀM ĐI ĐẾN KẾT QUẢ

1. Sự cần thiết

Lạng Sơn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, dân cư không tập trung, với địa giới hành chính gồm 200 UBND cấp xã. Số lượng điểm ATM do các ngân hàng triển khai rất ít và hầu hết tập trung tại địa bàn thành phố và trung tâm huyện.

Mỗi lần cần rút tiền, chuyển tiền người dân và giáo viên tại các xã, điểm trường thôn, bản ở Lạng Sơn phải đi quãng đường hàng chục ki-lô-mét đường rừng để ra trung tâm huyện. Mỗi huyện có từ 1 đến 2 cây ATM. Đi cả quãng đường xa, đến nơi đã ít cây ATM, mà có khi ATM lại hết tiền hoặc bị trục trặc. Tình cảnh này không chỉ diễn ra một đôi lần, mà kéo dài nhiều năm. Làm sao để người dân và các giáo viên thoát khỏi cảnh vất vả này và mong muốn mỗi xã có ít nhất 01 cây ATM là nỗi suy tư của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn.

Từ thực tế của tỉnh có 200 xã, thị trấn, kinh phí đầu tư mỗi cây ATM khoảng 500 triệu đồng, chi phí duy trì 200 triệu đồng/cây/năm, như vậy cần 300 tỷ đồng để có 200 cây ATM duy trì trong 5 năm. Con số đầu tư quá lớn. Chưa kể, về mặt thời gian, xin phép đầu tư 01 cây ATM mất 2 năm có khi chưa được duyệt, để triển khai 200 cây thì thời gian là quá lâu.

Bắt nguồn từ những khó khăn từ trong thực tiễn và nhu cầu cấp thiết của người dân, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn đã xác định cần phải chuyển đổi số cho ATM. Giải pháp ATM mềm ứng dụng trên nền tảng số ra đời, cho phép liên kết với các ngân hàng, có tính năng nạp/rút tiền từ các ngân hàng tại các điểm Bưu điện văn hóa xã trên toàn tỉnh.

2. Mục đích, yêu cầu

Giải quyết những khó khăn cấp thiết của người dân, thực hiện chuyển đổi số phục vụ cuộc sống của người dân "công nghệ vị nhân sinh".

Thiết lập các điểm ATM mềm đáp ứng được khả năng thanh toán, nạp/rút, chuyển tiền thuận tiện, nhanh chóng, an toàn… phục vụ phát triển kinh tế số nông thông của tỉnh.

Hỗ trợ người dân trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện thủ tục hành chính công thuận tiện, bao gồm cả khâu thanh toán phí và lệ phí thủ tục hành chính với bối cảnh Lạng Sơn đã đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4.

Đưa giải pháp ATM mềm để thay thế các cây ATM cứng dựa trên sự kết hợp giữa nền tảng ngân hàng di động và Điểm Bưu điện Văn hoá xã có người phục vụ.

3. Giải pháp

Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn đã đề xuất xây dựng giải pháp số ATM mềm để thay thế các cây ATM cứng dựa theo công thức: ATM mềm = Nền tảng số thực hiện giao dịch nạp/rút/chuyển tiền + Điểm Bưu điện Văn hóa xã + Người phục vụ. Giải pháp ATM mềm là sự kết hợp giữa 02 lĩnh vực Bưu chính công ích và Ngân hàng dựa trên nền tảng số, tạo ra giá trị mà không một doanh nghiệp nào có được nhờ hệ thống Điểm Bưu điện văn hóa xã rộng khắp toàn tỉnh (100% xã, phường, thị trấn).

Người dân và các thầy, cô giáo muốn rút tiền có thể dùng điện thoại di động thông minh và thực hiện các thao tác đơn giản từ App MB Bank, mở tài khoản bằng eKYC, liên kết ngân hàng thẻ ATM của ngân hàng bất kỳ vào ứng dụng và nạp tiền, khi muốn rút tiền thì tạo mã rút tiền, tại điểm Bưu điện văn hóa xã nhân viên sẽ quét mã rút tiền, kiểm tra thông tin khách hàng và xuất tiền.

Đến nay, App MBBank đã liên kết với hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam cùng với hệ thống điểm phục vụ tại 200/200 xã phường thị trấn, việc nạp/rút tiền của người dân vô cùng thuận tiện, không cần phải di chuyển khoảng cách quá xa để đến được cây ATM truyền thống. Ngoài ra, người dân có thể sử dụng tất cả tiện ích, dịch vụ trên App MBBank để phục vụ nhu cầu thanh toán phí, chuyển tiền hàng ngày một cách an toàn, tiện lợi.


Quy trình triển khai ATM mềm

4. Hiệu quả mang lại

Triển khai giải pháp ATM mềm để cung cấp các dịch vụ nạp, rút tiền mặt từ tài khoản thanh toán ngân hàng tại các điểm phục vụ của Bưu điện đã mang lại lợi ích thiết thực, giúp:

Tạo sự thuận tiện, nhanh chóng và an toàn cho người dân. Thời gian giao dịch linh hoạt, hệ thống điểm Bưu điện rộng khắp toàn tỉnh thuận tiện hơn so với vùng phủ hạn hẹp của ATM truyền thống. Rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian, tạo điều kiện thuận lợi tối đa và an toàn cho người dân nông thôn cũng như các tổ chức thực hiện các chức năng giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt ngay trên địa bàn xã. Tạo kênh Bưu điện ATM mềm, là tiền đề đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số … trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Dễ dàng triển khai do giải pháp đã được xây dựng trên ứng dụng của ngân hàng, không bị giới hạn số lượng người dùng, thời gian và địa điểm. Đồng thời, giải pháp cũng đã được triển khai đến cho tất cả điểm bưu điện VNPost có internet. Giải pháp ATM mềm được đưa vào cung cấp dịch vụ từ tháng 12 năm 2021, chưa khai trương dịch vụ, chưa có hoạt động truyền thông, quảng bá dịch vụ nhưng Bưu điện đã tạo được gần 100 tài khoản thanh toán và thực hiện được gần 200 giao dịch rút tiền qua ứng dụng ATM mềm. Với 225 điểm phục vụ bao phủ 100% xã, phường, thị trấn, đến nay tỉnh Lạng Sơn đã có 68 điểm được kết nối trực tuyến và ứng dụng nền tảng số thông suốt cho phép cung cấp các dịch vụ tài chính online thuận tiện, thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh của người dân. Trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn sẽ tăng cường chỉ đạo, đáp ứng 200/200 xã phường thị trấn đều có điểm ATM mềm để phục vụ người dân.

5. Tổ chức triển khai

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự sâu sát đồng hành, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) là hai cơ quan phối hợp triển khai nhiệm vụ phát triển giải pháp số cho ATM mềm.

Từ App MBBank, người dân là chủ sở hữu thẻ ATM của bất kỳ ngân hàng nào cũng có thể tạo mã rút tiền từ tài khoản của mình để nhận tiền mặt tại hệ thống Bưu cục của VNPost. Với người dân chưa có App MBBank cũng có thể dễ dàng mở tài khoản App MB hoàn toàn tự động bằng việc sử dụng eKYC – dịch vụ định danh khách hàng online.

Đến nay, App MBBank đã liên kết với hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam cùng với hệ thống điểm phục vụ tại 200/200 xã phường thị trấn, việc nạp/rút tiền của người dân vô cùng thuận tiện, không cần phải di chuyển khoảng cách quá xa để đến được cây ATM truyền thống. Ngoài ra, người dân có thể sử dụng tất cả tiện ích, dịch vụ trên App MBBank để phục vụ nhu cầu thanh toán phí, chuyển tiền hàng ngày một cách an toàn, tiện lợi.

6. Tồn tại và hạn chế

Hạ tầng điểm bưu chính có người phục vụ còn hạn chế, mới chỉ có 68/200 địa bàn cấp xã có điểm bưu điện văn hóa xã, có hạ tầng Internet và có trang thiết bị đủ đáp ứng các dịch vụ liên quan đến triển khai ATM rút/nạp/chuyển tiền qua nền tảng số.

7. Bài học kinh nghiệm

Chuyển đổi số phải có cách tiếp cận toàn dân và toàn diện. Chuyển đổi số không phải chỉ bắt nguồn từ tầm vĩ mô, từ những vấn đề trọng đại, những sự việc lớn…mà chuyển đổi số bắt nguồn từ những việc thông thường, những khó khăn lâu năm chưa có lời giải.

Chuyển đổi số nếu giải quyết được những khó khăn hàng ngày, cấp thiết của người dân sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người dân và cho toàn xã hội. Thực tế tại Lạng Sơn, từ nhiều năm nay, hàng ngàn giáo viên phải lặn lội đường xá đi lại khó khăn để rút được đồng tiền trong tài khoản của chính mình. Thì giờ đây, những khó khăn về khoảng cách địa lý, về thời gian đã được khắc phục, giải quyết bằng chuyển đổi số, bằng giải pháp ATM mềm.

Bài viết mới nhất

Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Già làng số - già dặn trong tư duy tiếp cận và tìm phương thức mới trong thời đại số