Bước thăng hạng nhảy vọt của tỉnh Quảng Ngãi trong hoạt động chuyển đổi số

Trong năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận sự bức tốc ngoạn mục trong hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Nhằm thúc đẩy tiến độ chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối toàn cầu, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát động Phong trào Chuyển đổi số.

Sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong hoạt động 
chuyển đổi số

Theo kết quả xếp hạng chuyển đổi số (CĐS) quốc gia - DTI năm 2022 công bố ngày 12/7/2023, tỉnh Quảng Ngãi xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 34 bậc so với năm 2021 và là tỉnh có tốc độ tăng hạng cao nhất trong cả nước. Trong đó, chính quyền số tăng 44 bậc, từ vị trí 61 lên 17; kinh tế số tăng 45 bậc, từ vị trí 62 lên 17 và xã hội số tăng 42 bậc, từ vị trí 57 lên 15. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực lớn của các sở, ban, ngành, địa phương trong việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra về công tác CĐS.

Thứ hạng DTI của tỉnh tăng đều trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.


Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với CĐS tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với phương châm thực hiện xuyên suốt, nhất quán là: "Nhận thức đóng vai trò quyết định; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nền tảng số là đột phá; bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số" .

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên cơ sở những thuận lợi - khó khăn từ thành công của năm cũ

Trong buổi lễ phát động Phong trào Chuyển đổi số diễn ra ngày 28/7/2023, ông Trần Hoàng Tuấn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận định CĐS chính là giải pháp, là động lực để tỉnh Quảng Ngãi có thể "đuổi kịp, tiến cùng", rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác. CĐS là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động. Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng.

Mục tiêu của lễ phát động là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS trên địa bàn tỉnh. Hình thành những hạt nhân, bồi dưỡng kỹ năng số trong cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao thứ hạng các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, CĐS của tỉnh trong thời gian đến. Phát động người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng phong trào...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.


Để thực hiện tốt công tác CĐS, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian tới, ông Trần Hoàng Tuấn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến; triển khai nghiêm túc các chủ trương của cấp ủy, chính quyền về tính cấp thiết của CĐS, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Nhân rộng các mô hình CĐS, đặc biệt là triển khai các nền tảng số tới 100% cán bộ, công chức, viên chức để hình thành công chức số, thúc đẩy chính quyền số phát triển mạnh mẽ. Phát huy hiệu quả Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp trong tỉnh, xem đây là lực lượng quan trọng để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về CĐS.

Tại sự kiện, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh bà Lê Na cũng cho biết CĐS mở ra cơ hội công bằng hơn cho phụ nữ. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và Internet, phụ nữ có thể tham gia vào các ngành nghề trực tuyến, tạo thu nhập, đảm bảo mức sống tốt hơn cho bản thân, gia đình. Chuyển đổi số mở ra cơ hội học tập và phát triển; nâng cao kỹ năng, tri thức, tầm ảnh hưởng và vị thế của phụ nữ trong xã hội. Đồng thời, đề nghị các cấp hội phụ nữ trong tỉnh chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS; thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na chỉ ra những mặt tích cực mà CĐS mang lại cho phụ nữ.


Lấy người dân làm trọng tâm cho hoạt động chuyển đổi số

Với quan điểm sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới phương pháp đào tạo, tập huấn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng, cho người dân về chuyển đổi số. Đồng thời thường xuyên đánh giá, nhân rộng các mô hình Tổ Công nghệ số cộng đồng thành công. Trong khuôn khổ lễ phát động Phong trào Chuyển đổi số 2023, tỉnh đã giới thiệu khóa học về Dịch vụ công trực tuyến tại trang https://chuyendoiso.quangngai.gov.vn/. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phát động cán bộ, công chức, viên chức và người dân được khuyến khích tham gia khóa học và đánh giá kết quả sau khóa học bằng hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến.

Lực lượng công an hướng dẫn người dân cài đặt VNeID (Nguồn: VietnamNet)


Đặc biệt trong thời gian 07 ngày kể từ sau Lễ phát động, mỗi thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng các cấp hướng dẫn tối thiểu cho 07 người dân về kỹ năng khai thác và sử dụng Dịch vụ công trực tuyến, Thanh toán trực tuyến khi tham gia giải quyết các thủ tục hành chính và các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã ra quân "đi từng ngõ, gõ từng nhà" phát động người dân hưởng ứng Phong trào Chuyển đổi số, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng nền tảng số, thực hành kỹ năng số./.

Bài viết mới nhất

Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Già làng số - già dặn trong tư duy tiếp cận và tìm phương thức mới trong thời đại số